Dự phòng sau phơi nhiễm PEP (post-exposure prophylaxis) là một loại thuốc được sử dụng để ngăn chặn nhiễm HIV sau khi tiếp xúc với virus, bằng cách sử dụng liên tục trong 4 tuần. Tuy nhiên, mặc dù rất hiếm, nhưng vẫn có một vài trường hợp nhiễm HIV sau khi sử dụng PEP. Và dưới đây là các nguyên nhân dẫn đến sự thất bại đó.
- Không bắt đầu PEP kịp thời
PEP được khuyến nghị sử dụng trong 72 giờ đầu tiên sau khi tiếp xúc với virus hoặc thực hiện hành vi có nguy cơ. Tuy nhiên, một số trường hợp vẫn cố gắng sử dụng dù đã vượt quá 72 giờ. Trong trường hợp này, dù không ai khẳng định rằng PEP mất hoàn toàn tác dụng nhưng rất nhiều trường hợp đã bị nhiễm HIV theo cách này.
- Thiếu liều PEP hoặc không hoàn thành liệu trình 28 ngày
PEP cần được sử dụng mỗi ngày và trong 1 khung giờ cố định và được sử dụng trong 4 tuần. Việc không tuân thủ khi dùng thuốc làm giảm nồng độ thuốc trong máu, tạo cơ hội cho virus phát triển.
- Một chủng vi-rút kháng thuốc được sử dụng trong PEP
Nếu bạn không may mắc phải 1 chủng virus HIV kháng thuốc, thì PEP sẽ không thể bảo vệ bạn trong trường hợp này. Tuy nhiên, những chủng đột biến của HIV khó lây lan hơn chủng thông thường và trường hợp thất bại này rất hiếm.
- Quan hệ tình dục không an toàn, tiếp xúc với HIV nhiều hơn, trong khi dùng PEP
Việc nghĩ rằng PEP sẽ bảo vệ bạn trong 28 ngày và bạn có thể tự do mà không lo bị nhiễm HIV là sai lầm. Rất nhiều trường hợp đã nhiễm HIV do tiếp xúc với virus trong quá trình điều trị.
Kết luận: Sử dụng PEP là một phương pháp phòng ngừa HIV rất hiệu quả, nhưng nó không đủ để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Để giảm nguy cơ nhiễm HIV, bệnh nhân cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ định của bác sĩ và tiếp tục sử dụng các biện pháp phòng ngừa HIV khác như bao cao su.