HIV VÀ BỆNH THẬN

1. Thận là gì ? Chúng làm gì ?

Cơ thể chúng ta bao gồm 2 quả thận. Chúng có hình dạng giống hạt đậu và to bằng nắm tay. Vị trí của chúng ở gần giữa lưng ở hai bên cột sống. Ở động vật, thận thường được gọi là cật

Công việc chính của thận là lọc chất thải có hại và lượng nước dư thừa từ máu. Chất thải và nước trở thành nước tiểu, được thải ra khỏi cơ thể. Thận cũng tiết ra các hormone giúp kiểm soát huyết áp, tạo ra hồng cầu và giữ cho xương chắc khỏe.

Chức năng thận suy giảm khi con người già đi, và quá trình này không thể đảo ngược. Chấn thương, bệnh tật ( bao gồm cả nhiễm HIV) có thể làm hỏng thận. Tổn thương thận có thể dẫn đến bệnh thận. Bệnh thận khi tiến triển đến giai đoạn cuối sẽ được gọi là suy thận.

2. Điều gì gây ra bệnh thận ?

Bệnh tiểu đường và huyết áp cao là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh thận. Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận bao gồm bệnh tim và tiền sử gia đình mắc bệnh thận.

Nguy cơ mắc bệnh thận của một người tăng lên khi họ già đi. Một người mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao hoặc bệnh tim càng lâu thì nguy cơ mắc bệnh thận càng cao.

3. Thận ở người nhiễm HIV

Viêm mãn tính ở người HIV, kể cả người đang điều trị sẽ ảnh hưởng đến thận. Người nhiễm HIV đồng nhiễm viêm gan C (HCV) sẽ có nguy mắc bệnh thận cao hơn người chỉ nhiễm HIV.

Phác đồ điều trị ARV là bắt buộc để duy trì sự sống ở người nhiễm HIV. Tuy nhiên một số loại thuốc trong phác đồ này lại ảnh hưởng đến thận. Điển hình trong số đó là Tenofovir DF. Đây là chất có trong cả 2 phác đồ ARV bậc 1 của Việt Nam. Trong trường hợp bị bệnh thận, bác sĩ có thể thay đổi liều lượng thuốc và đổi sang phác đồ khác. Chẳng hạn như nếu bạn đang dùng, Tenofovir DF và có xét nghiệm cho thấy nguy cơ suy thận, bác sĩ sẽ cân nhắc đổi sang Tenofovir AF cho bạn, một chất ít gây độc thận hơn.

4. Các triệu chứng của bệnh thận

Bệnh thận là một bệnh diễn biến chậm. Nếu bạn có các triệu chứng đặc trưng của bệnh thận, nghĩa là bạn đã bị suy thận hoặc cận suy thận. Triệu chứng đặc trưng cho suy thận là sưng chân, bàn chân hoặc mắt cá chân (gọi là phù nề). Một số triệu chứng khác có thể gặp khi bệnh thận đang tiến triển là:

  • Tần suất đi tiểu tăng hoặc giảm
  • Cảm thấy mệt mỏi hoặc khó ngủ
  • Buồn nôn và ói mửa
  • Ngứa hoặc tê

Để phát hiện sớm bệnh thận, bạn cần xét nghiệm máu và nước tiểu định kỳ.

5. Người nhiễm HIV có thể giảm nguy cơ mắc bệnh thận như thế nào?

Người nhiễm HIV có thể thực hiện các bước sau để giảm nguy cơ mắc bệnh thận:

  • Uống thuốc ARV mỗi ngày để kiểm soát HIV.
  • Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm trái cây tươi, rau tươi hoặc đông lạnh, ngũ cốc nguyên hạt và các sản phẩm từ sữa ít béo hoặc không béo. Cắt giảm thực phẩm chứa nhiều muối và đường.
  • Hoạt động thể chất từ ​​30 phút trở lên trong hầu hết các ngày.
  • Xét nghiệm định kỳ đầy đủ và thường xuyên thảo luận với bác sĩ về nguy cơ mắc bệnh thận

6. Tôi phải làm gì khi đã mắc bệnh thận

Những gì bạn có thể làm là giảm không để thận bị tổn thương thêm. Nếu bạn có các bệnh nền như cao huyết áp hoặc tiểu đường, hãy dùng thuốc để kiểm soát chúng. Muối và protein trong thức ăn có thể ảnh hưởng không tốt đến người bệnh thận, hãy cắt giảm chúng.

Nếu bệnh thận của bạn ở giai đoạn cuối, bạn sẽ có 2 phương án điều trị:

  • Chạy thận: Sử dụng một máy chạy thận nhân tạo để lọc máu bên ngoài cơ thể.
  • Ghép thận: Thay thế thận bị hỏng bằng thận của người hiến tặng. Một người có thể sống chỉ với 1 quả thận, nên bạn có thể nhân từ người sống hoặc đã chết.

Tài liệu tham khảo :

HIV and Kidney Disease | NIH